Tác dụng của mộc nhĩ và những ai không nên ăn

  • 06/03/2023 09:42:42

Mộc nhĩ là loại nấm tự nhiên mọc ở các thân gỗ. Mộc nhĩ còn có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, được sử dụng làm thuốc.

 

Mộc nhĩ hay còn được gọi là nấm mèo, nấm tai mèo (mộc: gỗ, nhĩ: tai). Đối với người dân Việt Nam, mộc nhĩ không còn quá xa lạ, nó như một thực phẩm được sử dụng rộng rãi để chế biến các món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, trong Đông y, mộc nhĩ còn được dùng làm thuốc giải độc, chữa lỵ, táo bón và rong huyết.

Dù mộc nhĩ đã được sử dụng rất phổ biến và từ rất lâu (hơn 1000 năm trước tại Trung Quốc), nó vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học nghiên cứu.

Tác dụng của mộc nhĩ và những ai không nên ăn

Mộc nhĩ có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. 

Mộc nhĩ chứa hàm lượng lớn các polysaccharid với các hoạt tính sinh học đa dạng đã được báo cáo như chống oxy hóa, chống khối u, chống đông máu, điều hòa hệ miễn dịch và hoạt tính bảo vệ gan. Không những thế, mộc nhĩ còn chứa các khoáng chất (canxi) và nhiều loại vitamin (vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP).

Tuy vậy, mộc nhĩ cần được chế biến và xử lý đúng cách trước khi sử dụng để cho hiệu quả như mong muốn và tránh các độc tính mà nó có thể gây ra. Sau khi thu hái về, mộc nhĩ tươi chưa dùng được ngay, cần phơi hoặc sấy khô. Mộc nhĩ tươi có chứa porphyrin nhạy cảm với ánh sáng, ăn phải có thể khiến bị viêm da, ngứa da, phù thũng, phù nề thanh quản, gây đau nhức.

Vì vậy, chỉ nên dùng dạng mộc nhĩ khô (ngâm bằng nước lạnh, để ráo trước khi chế biến các món ăn). Khi ăn mộc nhĩ đúng cách, những hoạt chất trong thực phẩm này sẽ giúp làm giảm giảm cholesterol trong máu, giảm cân hiệu quả. Bên cạnh đó, mộc nhĩ rất giàu protein và vitamin E và các chất chống oxy hóa giúp cho làn da luôn tươi sáng, mịn màng và khỏe đẹp từ sâu bên trong. 

Về phía y học cổ truyền, mộc nhĩ có mặt trong nhiều bài thuốc khi được phối hợp với các dược liệu khác cho nhiều hiệu quả điều trị. Mộc nhĩ sao cháy và tán thành bột được dùng làm thuốc.

Lưu ý, phụ nữ mang thai (kể cả có ý định mang thai) và cho con bú cần thận trọng và không nên sử dụng mộc nhĩ. Nếu bạn muốn dùng hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

Những người đang có vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy… cũng không nên ăn mộc nhĩ vì loại thực phẩm này tính hàn có thể khiến cho tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Với những công dụng được kể trên, có thể thấy mộc nhĩ không những là nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng mà nó còn là vị thuốc giúp điều trị bệnh hiệu quả khi được sử dụng đúng cách.

Dược sĩ Phạm Ngọc ThạchBệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3

Nguồn 2sao.vn

Tin Mới Nhất