Những năm gần đây, kinh doanh homestay trở thành lĩnh vực được quan tâm nhiều hơn. Một trong những gương mặt nổi lên trong làng kinh doanh homestay ở Mộc Châu (Sơn La) là cô gái trẻ Phạm Diệu Linh.
Trước đây, Phạm Diệu Linh (SN 1994) từng làm marketing cho nông trại dâu tây lớn nhất ở Mộc Châu với thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay cô chuyển sang quản lý homestay và trang trại do chính mình sáng lập với cái tên thân thương Dream Farmhouse.
Cô gái Phạm Diệu Linh thu được thành công trong lĩnh vực kinh doanh homestay.
Diệu Linh chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã yêu thích bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” nên luôn mơ ước sẽ có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình theo phong cách đồng quê mộc mạc, cổ điển và lãng mạn. Ngôi nhà mình mơ ước sẽ có hàng rào gỗ màu trắng với khu vườn trồng đầy hoa và những luống rau xanh mướt”.
Đó có lẽ cũng chính là lý do thôi thúc Diệu Linh khởi nghiệp làm homestay với cảnh sắc đồng quê yên bình tại Mộc Châu.
Nói về quá trình khởi nghiệp với lĩnh vực mới mẻ, Diệu Linh chia sẻ: "Cũng may suốt hành trình của mình có sự ủng hộ và hỗ trợ của mẹ và em trai. Sau khi bỏ việc maketing mình đã thuê lại căn nhà cũ của người thân quen để xây dựng ước mơ. Đây cũng là nơi mình sống trong 10 năm tới nên mình đã bỏ rất nhiều thời gian, cũng như tâm huyết để cải tạo ngôi nhà cũ và khu vườn.Mình mất gần 1 năm để cải tạo nhà và vườn rau để có được thành quả như hiện tại. Vì chi phí hạn hẹp nên mình và em trai quyết định tự sơn nhà, đóng cửa và khung gỗ trồng rau, hàng rào gỗ, kệ bếp bằng gỗ pallet tái chế để tiết kiệm chi phí tối đa. Mình cũng tự may rèm và lên ý tưởng decor cho căn nhà và khu vườn rau. Mình nghĩ ngoài đam mê, với kinh nghiệm của người từng đi qua, mình khuyên các bạn nếu tự làm cần tìm hiểu kỹ về cách làm từng bước để tránh rủi ro trong quá trình cải tạo nhà”.
Diêu Linh là một trong những người “mát tay” trong làng kinh doanh homestay ở Mộc Châu.
Cô nàng 9X cho biết để trồng được vườn rau hữu cơ xanh mướt như hiện tại thì cô phải tự học hỏi rất nhiều về các phương pháp trồng rau hữu cơ và cách phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc từng loại rau khác nhau.
“Hiện tại điều mình hạnh phúc nhất mỗi ngày là được sống gần với thiên nhiên, được sống ở một thị trấn nhỏ và bình yên. Đôi khi cuộc sống có hơi chậm nhưng mình hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hằng ngày mình khá bận rộn với công việc làm vườn nhưng đó cũng là một niềm hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích.Một điều nữa mình cũng thấy rất hài lòng là sau những cố gắng, nhiều khách hàng đã đến homestay để được ngắm nhìn vườn rau, bên cạnh là con suối, xung quanh đều là thiên nhiên, cây cối. Khách đến chỗ mình chủ yếu là những bạn trẻ muốn sống chậm và yêu thiên nhiên nên các bạn đến trải nghiệm đều rất hài lòng.Được ngắm nhìn khách đến và trải nghiệm làm vườn, đi hái quả ở các vườn xung quanh với vườn dâu tây, vườn hồng, nghe những tiếng cười đùa vui vẻ... làm mình thấy cuộc sống này thật ấm áp”, Diệu Linh nói.
Một vị khách đến với homestay của Diệu Linh.
Với quan niệm “đầu tư một không gian ở thật đẹp để nạp thêm năng lượng và cảm hứng cho ngày mới”, Diệu Linh khẳng định yếu tố thiên nhiên sẽ mang lại sự tươi mát và thư giãn tối đa cho khách hàng sau những tất bật với công việc và khói bụi thành phố.
Nhìn những trái ngọt mà 9X này có hôm nay, ít ai biết rằng thời gian đầu khởi nghiệp của cô cũng gặp một số khó khăn như cạn vốn, phải vay ngân hàng, tính toán kế hoạch hoàn vốn....
Hiện nay khách tìm đến homstay đã đông hơn, nếu kín 70% số phòng thì 1 tháng Diệu Linh sẽ thu về khoảng 40 triệu đồng.
“Mình nghĩ sau đại dịch thì mỗi người đều có cái nhìn khác về cuộc sống, mỗi chúng ta dường như quan tâm hơn về sức khoẻ tinh thần. Mình nghĩ thiên nhiên có khả năng chữa lành những tổn thương, ở gần với thiên nhiên cũng giúp mỗi người thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Mình mong mọi người dù sống ở đâu cũng sẽ luôn trân trọng giá trị cuộc sống và mỗi ngày được sống một cuộc đời có ý nghĩa và tích cực hơn”, Diệu Linh nói
Nguồn infonet.vietnamnet.vn