Bệnh nhân Kon Tum hưởng kỹ thuật cao, giảm gánh nặng chi phí nhờ Đề án 1816

  • 25/11/2022 17:53:27

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 3 cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tuyến tỉnh, bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi; Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng; 10 trung tâm y tế huyện, thành phố, 99 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 3 phòng khám đa khoa khu vực thuộc Trung tâm Y tế các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Rẫy.

Những năm qua, nhờ thực hiện Đề án 1816, hệ thống y tế trong toàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và kiện toàn, phương thức hoạt động được đổi mới, nhờ đó, chất lượng, hiệu quả phục vụ được nâng lên.

Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tốt các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh điều trị nội trú, ngoại trú; duy trì thường xuyên các hoạt động quản lý chất lượng và cải tiến chất lượng trong y tế.

Bệnh nhân Kon Tum hưởng kỹ thuật cao, giảm gánh nặng chi phí nhờ Đề án 1816

Các y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: THChuyển giao nhiều kỹ thuật y học với công nghệ hiện đại xuống các cơ sở y tế

Nhờ sự chuyển giao này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh bằng nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai đào tạo và chuyển giao phẫu thuật nội soi ruột thừa viêm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi; phẫu thuật sản khoa cho Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy… Ngoài ra, đã thực hiện hướng dẫn các kỹ thuật mới trong phương pháp hồi sinh tim phổi, đọc điện tim cho bác sỹ, sử dụng máy thở CPAP, triển khai phòng xét nghiệm theo Quyết định 2429/QĐ-BYT, nội kiểm sinh hóa, huyết học…

Nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao cho các y bác sĩ tại Bệnh viện trong đó phải kể đến kỹ thuật đặt Catheter (PICC) tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi từ đội ngũ bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kỹ thuật đem lại hiệu quả lớn trong việc điều trị, chăm sóc nhi sơ sinh đặc biệt là trẻ sinh non, thiếu tháng, trẻ nhẹ cân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tương tự, kỹ thuật tán sỏi thận qua da của đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển giao cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để lấy sỏi thận chỉ bằng những lỗ nội soi nhỏ nên hậu phẫu ít đau hơn so với mổ mở, thời gian bình phục nhanh.

Bệnh nhân Kon Tum hưởng kỹ thuật cao, giảm gánh nặng chi phí nhờ Đề án 1816

Ê kíp đến từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh thực hành hướng dẫn kỹ thuật PICC tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: THNgười bệnh hưởng lợi từ Đề án 1816

Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội nghị về công tác chỉ đạo tuyến và 1816 năm 2022, TS.BS. CKII Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch hội đồng quản lý Bệnh viện đã ghi nhận kết quả đạt được đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Các Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện cần chú trọng, chủ động trong công tác học tập, tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, qua đó nâng cao chất lượng toàn hệ thống y tế và nhất là đem lại dịch vụ y tế tốt ngay tại địa phương để phục vụ nhân dân.

Có thể nói rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Kon Tum ngày càng được nâng cao. Hệ thống y tế công lập đổi mới, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, thu gọn đầu mối nhằm tăng cường, tập trung các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nhờ Đề án 1816 mà ngành Y tế tỉnh đã triển khai mới hàng trăm dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh được đẩy mạnh.

 

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Mới Nhất