Bia Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt

  • 17/05/2021 13:18:32

Thị trường bia Việt Nam luôn có mức tăng trưởng dương trong thời gian gần đây nên đã thu hút được sự tham gia của hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới. Điều đó khiến sự cạnh tranh giữa các thương hiệu càng trở nên gay gắt hơn.

Xuất hiện cả bia Trung Quốc

Cuối năm 2019, thị trường Việt Nam bất ngờ xuất hiện sản phẩm bia Tsingtao (bia Thanh Đảo). Đây là hãng bia lớn thứ 2 tại Trung Quốc với khoảng 15% thị phần nội địa. Đơn vị phân phối chính thức dòng bia này tại Việt Nam là Công ty TNHH Thương mại quốc tế Sanjet, được thành lập từ tháng 5/2018.

Bia Tsingtao đến từ Trung Quốc

Ngay từ khi tiến vào VN, mặc dù không truyền thông, quảng bá rầm rộ nhưng thương hiệu bia này đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất nhằm tận dụng kênh phân phối triển vọng mà nhiều nhà sản xuất chưa khai thác triệt để. Chẳng hạn trên trang Shopee.vn, một thùng 24 lon bia 330 ml Tsingtao có giá bán 535.000 đồng và thùng 12 chai 640 ml có giá 500.000 đồng. Còn trên một số website chuyên bán đồ uống nhập khẩu giới thiệu loại bia Tsingtao 24 chai 330ml có giá bán 550.000 đồng… Tsingtao được giới thiệu là sản phẩm bia tươi nổi tiếng của Trung Quốc nhưng thực tế vẫn chưa được nhiều người dùng Việt Nam lựa chọn. Anh Tiến Khải, một người dân sống tại quận 2 (TP.HCM), cũng thuộc người thích sử dụng sản phẩm mới để có thêm sự đa dạng và so sánh với những thương hiệu quen thuộc. Dù vậy anh nhận xét, bia là một loại sản phẩm với hương vị, đặc thù riêng nên sẽ khó để người tiêu dùng chấp nhận hơn những hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Bên cạnh đó, bia Tsingtao chưa được phân phối rộng rãi, chưa có mặt ở nhiều hàng quán hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và điều này khiến nhiều khách hàng vẫn không hề biết. Đó là chưa kể bản thân nhiều người Việt vốn lo ngại các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc với nhiều “tai tiếng”.

Tsingtao được bày bán trên Shopee

Không chỉ riêng Tsingtao, tháng 4/2018, Heineken cũng tuyên bố đã hợp tác chiến lược và dài hạn với China Resources Enterprises (CRE), hãng bia lớn nhất tại Trung Quốc. Theo đó, CRE cũng trở thành cổ đông của Heineken. Trước đó, trong một thông báo chung, hai doanh nghiệp này cho biết Heineken sẽ nắm 40% cổ phần của China Resources Beer với giá 24,35 tỉ đô la Hong Kong, tương đương 3,1 tỉ USD. Ngược lại, CRE mua 0,9% cổ phần của Heineken với giá 464 triệu euro (537,5 triệu USD). Trong bối cảnh này, một số chuyên gia trong ngành cho rằng bia Snow, một sản phẩm nổi bật của China Resources rất có thể sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam nhờ vào mối quan hệ hợp tác này.

Heineken đã có mối quan hệ hợp tác với hãng bia lớn nhất TQ từ năm 2018

Không dễ thành công

VN là nước tiêu thụ bia lớn thứ 9 thế giới với mức tăng trưởng cao dù thị trường toàn cầu gần như chỉ đi ngang trong 5 năm qua. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, người VN tiêu thụ 4,6 tỉ lít bia trong năm 2019, tăng 10% so với năm trước đó. Đến năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100, sản lượng bia vẫn đạt 4,4 tỉ lít. Do đó, việc các hãng bia Trung Quốc dần tìm đến thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thực tế, thị trường đã có những cuộc đào thải “khủng khiếp” hơn, thậm chí đối với những thương hiệu bia nổi tiếng thế giới. Chẳng hạn, từ cuối thập niên 90, thương hiệu bia Foster's gắn với chiến lược marketing và câu slogan: "…kiểu Úc" như "bia phong cách Úc" khi bước chân vào thị trường VN. Ban đầu, Foster’s cũng đã tạo chú ý cho người tiêu dùng nhưng kết quả kinh doanh sau đó không như mong đợi. Sau 10 năm (1998 - 2007) hiện diện trên thị trường, Foster's đã phải chuyển nhượng lại toàn bộ hệ thống ở VN và thương hiệu này hoàn toàn biến mất. Không chỉ riêng Foster’s, Tập đoàn bia SABmiller của Anh cũng được xem là tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới đã bắt tay liên doanh với Vinamilk và xây dựng nhà máy bia SABmiller tại Bình Dương vào đầu năm 2007. Sau đó, trên thị trường bia VN xuất hiện thương hiệu bia Zorok từ liên doanh này với đại sứ thương hiệu là cựu Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia VN - ông Henrique Calisto – vốn được nhiều người biết đến và yêu mến. Nhưng cũng chỉ kéo dài 2 năm, Vinamilk đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho SABmiller. Hiện nay ngoài bia Zorok, hãng bia SABmiller có thêm bia Miller nhưng thị phần của hãng này tại VN vẫn ở mức thấp và được đánh giá là không thành công... Chính vì vậy, những thương hiệu mới như Tsingtao hoặc có thể là Snow cũng sẽ rất khó để tìm được chỗ đứng tại thị trường VN.

Tiến Luật

Tin Mới Nhất